Bình thơ Trần Đăng Khoa

ĐI THEO DẤU CHÂN NGƯỜI THẦY

BÀN CHÂN THẦY GIÁO

Thầy ngồi trên ghế giảng bài
Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ
Một bàn chân thầy ở đâu rồi
Chúng em không rõ.

Sáng nào bom Mỹ giội
Phượng đổ ngổn ngang, mái trường tốc ngói
Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi
Thầy cầm súng ra đi
Bài tập đọc dạy chúng em đang dở
Hoa phượng
Hoa phượng cháy một góc trời như lửa.
Năm nay thầy trở về
Nụ cười vui vẫn nguyên vẹn như xưa
Nhưng một bàn chân không còn nữa.

Ôi bàn chân
In lên cổng trường những chiều giá buốt
In lên cổng trường những đêm mưa dầm
Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo
Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo
Như nhận ra cái chưa hoàn hảo
Của cả cuộc đời mình.

Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh
Hay Tây Ninh, Đồng Tháp?
Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc
Cho lẽ sống làm người.
Em lắng nghe thầy giảng từng lời
Rung động bao điều suy nghĩ
Nghe âm vang bàn chân đi đánh Mỹ
Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường.
Em đi suốt chiều dài yêu thương
Chiều sâu đất nước
Theo những dấu chân người thầy năm trước ...

Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất
Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời.

   1972
TRẦN ĐĂNG KHOA

        Bài thơ “Bàn chân thầy giáo”, Trần Đăng Khoa sáng tác năm 1972, khi còn là cậu học trò 14 tuổi. Ngay năm sau, năm 1973, nhà xuất bản KIM ĐỒNG đã chọn in vào tập thơ GÓC SÂN VÀ KHOẢNG TRỜI gồm có 66 bài thơ của Trần Đăng Khoa.
Cho đến nay, thơ viết về người thương binh thì nhiều, nhưng thơ viết về người thương binh là thầy giáo lại rất hiếm hoi. Trong số hiếm hoi ấy, bài thơ “Bàn chân thầy giáo” đã vượt qua sự sàng lọc của thời gian, luôn lấp lánh trong tâm tưởng chúng ta với tư cách là bài thơ thành công nhất về đề tài người thương binh là thầy giáo – ghi nhận sự hiện diện của người thương binh ở một mặt trận khác: Mặt trận giáo dục.
Nói đến giáo dục, đến nhà trường và hình ảnh thầy giáo, người ta thường gắn liền với cặp sách, compa, thước kẻ, hộp phấn ... Nhưng, thầy giáo trong bài thơ này của Trần Đăng Khoa không nằm trong sự thông thường ấy. Thầy giáo xuất hiện trên lớp với hình ảnh “Đôi nạng gỗ”, “xếp cạnh bàn”. Từ đôi nạng, các em phát hiện ra thầy giáo mất một bàn chân. Và các em băn khoăn tự hỏi: “Một bàn chân thầy ở đâu rồi?”. Băn khoăn nhưng không dám hỏi thầy, vì đang là giờ học. Các em nhớ lại cái ngày bom Mỹ giội vào trường, “mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi”, thầy giáo lên đường đi chiến đâu, để lại “Bài tập đọc dạy chúng em đang dở”. “Năm nay thầy trở về”, mọi giá trị phi vật chất tạo nên giá trị con người thầy không hề bị suy suyển, chỉ mất đi một bàn chân:
Nụ cười vui vẫn nguyên vẹn như xưa
Nhưng một bàn chân không còn nữa.
Đi qua chặng đường chiến tranh khốc liệt, người lính – thầy giáo trở về với bục giảng, đi tiếp chặng đường còn lại. Trở về với bục giảng là trở về với công việc cũ, nhưng người thầy giáo thương binh phải đối mặt với những thử thách mới, khó khăn mới, với biết bao phức tạp của cuộc sống đời thường. Thầy giáo thương binh phải chịu đựng những nhức nhối, đau đớn khi thời tiết đổi thay, những ngày trái gió trở trời, “những chiều giá buốt”, “những đêm mưa dầm”. Mặc dầu vậy, người thầy giáo của Khoa vẫn không hề chao đảo. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ người thầy bằng tố chất người lính.
Mọi con đường tới lớp, tới trường đều phải qua cổng trường. Cổng trường với biết bao dấu chân, các em vẫn nhận ngay ra dấu chân thầy giáo của mình bởi một nét riêng:
Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo
Nói đến cây nạng gỗ, tả dấu nạng trên đất, trên cát đã có nhiều tác giả viết rồi. Nhưng từ “dấu nạng” liên tưởng đến “lỗ đáo” thì chỉ có ở thơ Trần Đăng Khoa – Nhà thơ học trò 14 tuổi. Thật là một sự liên tưởng ngộ nghĩnh, thông minh chỉ có thể có ở tuổi thơ nhạy cảm. Điều ta cần suy nghĩ sâu sắc hơn ở đây là: từ sự liên tưởng ngộ nghĩnh của tuổi thơ, Trần Đăng Khoa lại có sự liên tưởng ở cấp độ cao hơn: nhìn cái không hoàn hảo cụ thể ở thầy giáo – mất một bàn chân – các em đã liên tưởng đến sự khiếm khuyết trừu tượng, liên tưởng đến “cái chưa hoàn hảo của cả cuộc đời mình”
Bài thơ của Trần Đăng Khoa không chỉ đơn thuần là sự ca ngợi người thầy giáo thương binh, mà còn biểu hiện một nhận biết, một nhận thức về công lao và vai trò bất tử của lớp người đi trước đã hy sinh tính mạng và xương máu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Bàn chân thầy giáo và con đường thầy giáo đã đi trong chiến tranh – với “bàn chân đã mất”, mãi mãi là la bàn tâm tưởng, là kim chỉ nam cuộc đời cho nhiều thế hệ học sinh trong và sau chiến tranh:
Em đi suốt chiều dài yêu thương
Chiều sâu đất nước
Theo những dấu chân người thầy năm trước ...
Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất
Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời.
      
    BÙI ĐĂNG SINH
Địa chỉ: Số nhà 3a9 Ngõ 565 Đường Nguyễn Trãi Thanh Xuân Hà Nội

SĐT: 0912698432

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét