Xuân Tâm

Ảnh: Internet

XUÂN TÂM - NHÀ THƠ CUỐI CÙNG CỦA THI NHÂN VIỆT NAM

DO HOÀI THANH HOÀI CHÂN TUYỂN CHỌN HIỆN CÒN SỐNG TẠI HÀ NỘI

Cách đây 60 năm khi còn là học trò Tiểu học, cứ mỗi độ hoa phượng vĩ nở đỏ, tôi và bạn bè đồng trang lứa lại đọc váng lên bài thơ “ Nghỉ hè ” của Xuân Tâm:
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết

Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ

Sau đó tôi được biết Xuân Tâm chính tên là Phan Hạp, sinh năm 1916 ở làng Bảo An, Phủ Điện Bàn – Quảng Nam. Học trường Chaigneau, trường Quốc Học Huế. Có bằng Thành Chung. Đã xuất bản tập thơ LỜI TIM NON (1941). Ông là một trong số 45 tác giả được Hoài Thanh Hoài Chân tuyển chọn vào THI NHÂN VIỆT NAM (xuất bản năm 1941).

Tôi ao ước được gặp Thi sĩ thần tượng của lứa tuổi học trò lấy một lần.

Nhưng đến những năm 1954 – 1955, hòa bình lập lại trên miền Bắc, qua sách báo mới, qua giảng đường Đại học Văn Khoa, chúng tôi chỉ được biết Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên … Còn Xuân Tâm thì bặt vô âm tín. Tôi nghĩ, hoặc Thi sĩ đã mất sớm như Nguyễn Nhược Pháp (1914 – 1938), Hàn Mạc Tử (1912 – 1940), J.LeiBa (1912 – 1945), Bích Khê (1916 – 1946 ) …. , hoặc ở lại bên kia giới tuyến không tập kết.

Mãi gần đây (tháng 11 – 2010), cùng người thân đi viếng một đám tang, tôi tinh cờ gặp lại cái tên Phan Hạp ghi dưới tờ “Tin buồn”. Nghe điếu văn, tôi mới biết người quá cố là vợ Thi sĩ Xuân Tâm. Hóa ra tác giả bài thơ “Nghỉ hè” (trong tập LỜI TIM NON) đã được đưa vào THI NHÂN VIỆT NAM (cùng với bài “Xa Lạ”) năm nay đã 94 tuổi, đang sống tại căn nhà số 1 ngõ 234, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Căn nhà cấp 4 có phần chật hẹp, nhưng còn một khoảng sân nhỏ với vài ba cây xanh thoáng đãng.

Tôi đến thăm Thi sĩ Xuân Tâm sau đám tang cụ bà Phạm Thị Mua (1916 -2010) ít ngày. Đã sắp sang tuổi 95, động tác, cử chỉ của lão Thi sĩ chậm chạp nhưng mắt vẫn tinh tường và đầu óc còn minh mẫn. Cùng đón những thân nhân tiếp tục đến viếng tại bàn thờ gia đình, có vợ chồng chị Phan Mỹ Khê, (trưởng nữ, từ Sài Gòn ra chịu tang mẹ ), anh Phan Hoài Nguyên (thứ nam, em ruột nhà báo liệt sĩ Phan Hoài Nam, ở Đà Nẵng ra chịu tang mẹ ). Các chị Phan Mỹ Linh ở phố Nguyễn Ngọc Nại; Phan Mỹ Liên ở phố Hàng Vôi Hà Nội chưa có mặt vì bận đi sắm lễ cúng tuần.

Nhà thơ Xuân Tâm cho biết khi tập kết ra Bắc công tác ở Ủy ban Kế hoạch Nhà Nước, ít có điều kiện gặp gỡ các Thi Nhân tiền chiến đã đi theo cách mạng đang hoạt động văn nghệ tại Hà Nội, nên mặc dù vẫn sáng tác nhưng không gửi đăng báo. Tuy vậy Xuân Tâm cũng đã xuất bản một số tập thơ đươc bạn bè mến mộ, như HƯƠNG GIỮA MÙA, DÒNG THỜI GIAN…(nhà xuất bản Văn học).

Đang nói chuyện về gia đình, về những ngày học và làm thơ ở Huế, Xuân Tâm chợt chớp mặt, nhìn về một cõi xa xăm nào, rồi cất giọng cảm động đọc bài thơ viết về con trai, nhà báo liệt sĩ Phan Hoài Nam (hy sinh tháng 5 – 1968 ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Thư bạn báo con hy sinh

Giữa những ngày chống Mỹ

Cha không tin

Nhưng từ ngày ấy

Con chưa về lại

Nhớ con

Cha chỉ thấy một mình

Khu phố báo con hy sinh

Và cấp cho cha

Tấm thẻ gia đình liệt sĩ



Vâng, con đã hi sinh

Giữa nghìn triệu người đang trào lên chống Mỹ

Và từ ngày ấy

Con chẳng bao giờ về nữa

Nhưng cha

Không thấy sống một mình

1985 – 1986

(Trích bài CON, trong tập DÒNG THỜI GIAN của Xuân Tâm)

Đọc xong bài CON, lão Thi sĩ lấy bút và giấy định chép cho tôi bài thơ MAI VÀNG GIỮA HUẾ, viết tặng cụ bà trước đây. Nhưng tay Xuân Tâm run quá. Tôi chép, đọc lại cho mọi người cùng nghe, và Xuân Tâm ký ở cuối bài:

MAI VÀNG GIỮA HUẾ
Ngày xuân muốn ngắm cành đào

Mai vàng giữa Huế thuở nào khó quên

Xuân xưa in bóng hình em

Xuân này con giữ êm đềm mùi hương


Cánh vàng nhỏ nhẹ vương vương

Nhớ sao giây phút yêu đương buổi đầu


Tôi đọc xong rồi, nhà thơ lại đọc nữa. Giọng đọc nhỏ nhẹ, thiết tha, trìu mến như không phải để cho tôi soát mà để cụ bà nghe. Tôi chợt nhớ lời nhận định của Hoài Thanh cách đây 69 năm khi giới thiệu Xuân Tâm trong Thi Nhân Việt Nam:

“Học trò  trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không  đành

Tôi không rõ Xuân Tâm, người học trò Quảng ấy, có phải lòng một cô gái Huế không? Nhưng cảnh Huế cũng là một cô gái và cô gái này đã quyến rũ lòng non trẻ của Xuân Tâm.

Mặc dầu cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương núi Ngự vẫn man mác trong thơ Xuân Tâm…

…Vui hay buồn ở Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng, vừa phải”.

(Hoài Thanh – Thi Nhân Việt Nam)

Vâng! Vui hay buồn ở Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng, vừa phải. Có lẽ vì thế nên khi được hỏi: “ Xuân Tâm là Thi sĩ duy nhất trong số 45 Thi sĩ được Hoài Thanh Hoài Chân tuyển chọn vào Thi Nhân Việt Nam hiện còn sống. Nghĩa là không còn bạn bè cố tri đến thăm chơi nữa, Xuân Tâm có buồn không?”

Lão Thi sĩ cười rất đẹp “Mình không buồn mà chỉ nhớ thôi. Nhớ bạn học, nhớ bạn thơ. Nhớ cái thời làm thơ hồn nhiên trong trẻo. Mùa xuân lúc nào cũng ở trong lòng mình mà.”

Ra vậy! XUÂN TÂM là mùa xuân ở trong lòng, ở trong tâm, ở trong hồn, khiến cho thi sĩ đang vào tuổi 95 vẫn nói và viết được những LỜI TIM NON


Tác giả: Bùi Đăng Sinh

Số nhà 3A9 Ngõ 565 Nguyễn Trãi Quận Thanh Xuân Hà Nôi

ĐT : 0912698432

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét