THƠ LỤC BÁT BÙI ĐĂNG SINH
(Nhà  xuất  bản Hội Nhà văn – 2011)
                                                                         Mai Thanh

     Thơ lục bát thường được cảm nhận khác nhau. Có người đơn giản coi đó chỉ là dạng thơ ghép vần 6-8, sao cho chữ cuối cùng của câu sáu có nguyên âm vần với chữ  thứ sáu của câu tám sau đó; và chữ cuối của câu tám ấy có nguyên âm vần với chữ cuối cùng của câu sáu sau đó, thí dụ:
                  Anh em đồng chí chúng ta
                  Cùng nhau đoàn kết để mà tiến lên
                  Tiến lên, ta quyết tiến lên
                   .......
    Không đến nỗi như thế, có người cũng đã quan tâm đến nội dung, câu chữ của thơ lục bát, song nhiều lắm cũng chỉ là lục bát diễn nôm ý tưởng của tác giả bằng những ngôn từ chưa phải là thơ mà thôi, thí dụ:
                     Hôm nay trời đẹp trăng thanh
                     Sân đình hợp tác có anh với nàng
                     Cùng nhau ta gánh thóc vàng
                     ......
     Những người nhận thức đúng về thơ lục bát và những người làm thơ lục bản thực sự là những người cùng với vần điệu, coi ý tưởng (thi tứ) và ngôn từ (thi từ-thi ngữ) là cứu cánh của bài thơ. Song, ý tưởng và ngôn từ thì cũng là cứu cánh cho mọi dạng thơ, nên thơ lục bát phải chứa ý tưởng cảm xúc, ngôn từ thể hiện ấy vào cái khuôn khổ vần điệu lục bát, để thơ lục bát thực sự  là thơ lục bát.
     Nói những điều trên đây để nói rằng: Thơ lục bát Bùi Đăng Sinh thực sự là thơ lục bát và thơ anh đã chứa đựng ý tưởng, ngôn từ trong cái khuôn khổ vần điệu lục bát ra sao ở tập thơ mà chúng ta đang đề cập.
     Về ý tưởng, trước hết, đó là tình yêu – không phải là tình yêu tròn trịa, viên mãn như mọi tình yêu, mà là tình yêu hoài niệm đầy day dứt. Vào lễ chùa, nhà thơ nghĩ tới “cái ngày em đến cùng tôi/Vào chùa đặt lễ xin lời Phật khuyên/Kiếp này trót lỡ nhân duyên/Em đừng vội bước sang thuyền lái buôn” (Lễ chùa, tr.37). Nhà thơ tự nói trong thơ mình khi hoài niệm về tình yêu một thuở: “Lời anh tự nói với em/Có thành cơn gió qua miền tâm tư”  (Tự nói, tr. 44). Bạn đọc thường gặp các thi từ nhớ nhung, chiêm bao, chờ đợi... khi nhà thơ nói về tình yêu, bởi tình yêu hoài niệm là vậy!
     Hoài niệm tình yêu trong trạng thái vừa giận hờn vừa  trách móc:
Hẹn thề chót lưỡi đầu môi
Trả cho người ấy tình tôi âm thầm
 Sao rơi vỡ mộng đêm nằm
Đam mê dối trá bao năm đủ rồi
Xoay vần tạo hóa trêu ngươi
Kiếp sau nguyện tránh xa người hôm nay?
Con tim bầm dập tháng ngày
Nụ cười chợt méo – đắng cay – ngọt ngào...
                                   (Thiên đường hư vô, tr.113)
Thì quả thật là đã đi đến tận cùng của tình yêu day dứt! Có thể nói, “Thiên đường hư vô” là bài thơ khái quát cơ bản về tình yêu hoài niệm về một thời long lanh, về nỗi buồn dứt day hiện tại và cả niềm hy vọng hư vô về tình yêu đã mất.
     Hoài niệm về nơi chốn, mà tôi tạm gọi là “hoài niệm không gian”. Xưa nay, “hoài niệm không gian” đã có nhiều trong thi ca: Những hoài niệm về làng quê với cây đa giếng nước, mái đình, dòng sông... Bà Huyện Thanh Quan từ không gian thành Thăng Long mà hoài niệm về một thời hoàng kim và cũng với hoài niệm ấy khi ngắm nhìn Đèo Ngang vào buổi chiều tà để rồi thốt lên: “Dừng chân dứng lại trời, non, nước/Một mảnh tình riêng ta với ta”.
     Với Bùi Đăng Sinh, hoài niệm không gian -  miền quê Vĩnh Phúc - tràn đầy trong thơ anh. Trước hết và đậm nét nhất là cái mảnh đất Thổ Tang - vùng quê có nhiều gắn bó với nhà thơ -  được đề cập nhiều lần trong thơ anh. Đó là một Thổ Tang còn được gọi là làng Giang, làng Dâu – nơi có đền thờ Thành hoàng Đức Ông, một vị tướng có công đánh giặc Nguyên – Mông thời nhà Trần; vốn xưa là đất dâu tằm, nay dẫu nghề tằm tơ không còn nữa, nhưng cái chất đậm đà canh cửi vẫn chứa đựng trong con người vùng này: “Nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh/Sống muôn nơi vẫn nghĩa tình Thổ Tang” (Làng Giang, tr.85). Đó là một Thổ Tang hoài niệm không gian gắn quyện với hoài niệm tình yêu một thuở. Ở đó, “Cái ngày gặp gỡ đầu tiên/Thổ Tang đã hóa thành miền thương yêu/Đao đình cong xanh sắc rêu/Khói hương nói hộ bao điều tâm linh/Có ai cân được chữ tình/Biết rằng từ đó chúng mình thương nhau/Cần gì nói mấy ngàn câu/Từ trong vất vả vàng thau rõ rồi/Nhắc làm chi chuyện xa xôi/Anh và em đã nên người Thổ Tang” (Đất quê, tr.107). Đó là một Thổ Tang đậm đà văn hóa với “Trống chèo khi nhỏ khi to/Lời ca điệu múa giọng hò nao nao” (Đêm chèo làng Giang, tr. 9). Hoài niệm không gian còn là Đền Hùng mà nhà thơ mượn nỗi niềm người con dâu Đất Tổ để bộc lộ cảm xúc của mình: “Nén nhang con thắp ngoài thềm/Gió qua cháy một nỗi niềm tổ tông (Nỗi niềm, tr. 20); là Thuận Thành, chùa Dâu, chùa Tháp Bút, chợ Sủi, chợ Hồ, Luy Lâu, Hội Lim, núi Dạm, chùa Hương, Chùa Thông, Đại Lải...Nói chung là những không gian lịch sử-văn hóa đậm chất Phật thiền và tĩnh lặng.
     Mạch cảm xúc triết luận tuy không đậm nét, nhưng rất đáng kể trong “Thơ lục bát Bùi Đăng Sinh”. Thơ triết luận cũng ba bảy đường: Có triết luận thuần túy triết học; có triết luận chính trị-xã hội... Triết luận trong thơ Bùi Đăng Sinh thuộc triết lý nhân sinh. Khái niệm “Tôi đi tìm tôi” là cách nói của quá trình tự nhận thức. Con người không thể nhận thức được bản thân mình ngay một lúc, mà phải qua một quá trình, vì thế mà “tôi đi tìm tôi”. Diễn đạt ý tưởng ấy gắn với tình yêu “tìm em” làm cho bài thơ sinh động vừa mang tính triết lý, vừa đậm chất trữ tình (Tôi đi tìm tôi, tr.25). Hình ảnh cây tài lộc, còn gọi là cây sống đời, là chân dung của một tâm hồn cao đẹp đưa thành một triết lý sống: Không đòi hỏi đời phải ban tặng cho mình, trong khi mình vì đời mà vô tư cống hiến. Thiết nghĩ, triết lý này rất có ý nghĩa thời sự hiện nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân đang hoành hành trong xã hội.
     Thật là chí lý khi nhà thơ nêu ý tưởng triết lý về sự chắt chiu, vun vén cho những gì vốn là của ta và cũng là lời răn đe cho thói săn tìm những gì xa xôi, vô vọng:
                            Cái gì chưa có đành thôi
                            Cứ yêu cái có, yêu rồi sẽ say
                            Biết đâu qua khúc sông này
                             Hết đêm thăm thẳm, sang ngày mai lên
                                                            (Gặp sông, tr.115)
     Như vậy, cũng là hoài niệm về tình yêu, hoài niệm không gian và về triết luận thi ca, nhưng thơ Bùi Đăng Sinh có nét riêng, độc đáo không giống ai.  
      Về ngôn từ, ngoài những phương pháp tu từ mà nhiều nhà thơ thường dùng,chẳng hạn, “Biển còn đội sóng ngàn sau/Sao riêng em vội nhạt màu thời gian” (Cô đơn, tr. 45), “Em ẩm ướt với nỗi buồn/Tôi run rẩy giữa khu vườn khát khao” (Cõi tình, tr. 88)..., “Thơ lục bát Bùi Đăng Sinh” tạo dựng hình tượng thơ thật sự phong phú, độc đáo: Ngoài phần lớn thuộc dạng thơ tự cảm, còn những dạng thơ khác, như cảm kể (Đường Tuần Giáo Lai Châu, tr.11; Sự tích hạt giống, tr.22), như giao cảm - tức là cảm xúc giao lưu với người khác, với cả con vật, cỏ cây – người chăn bò thủ thỉ với con bò của mình: “ Đi nào bò ơi...”  (Tiếng hát người chăn bò, tr.40)...
     Thơ lục bát Bùi Đăng Sinh thấm đượm chất dân ca, nói chung là chất văn hóa đồng bằng Bắc Bộ trong phảng phất câu chữ ở nhiều bài thơ, như “dải yếm bắc cầu”, “gió đưa cây cải về trời” (Không đề, tr.24), “trèo lên Quán Dốc”, “đỉnh trời Thiên Thai”, “mặc yếm đi hài”, “người ơi, người ở, cùng về”, “thương cây trúc mọc đầu thôn” (Quan Họ quê người, tr. 27)...
     Hoặc:
                           Táo đâu rụng ở sân đình
                            Say nhau đổ vỡ cả bình rượu ngon
                            Chỉ là mảnh chiếu con con
                            Mà thu trời đất vuông tròn vào trong
                                                               (Nhìn lại, tr. 31)
Thêm nữa:
                       Bao nhiêu thân phận nổi chìm
                        Mười hai bến nước, chín nghìn nhân duyên
                       Ngày nào cùng tựa mạn thuyền
                       Người đi để lại lời nguyền cho ai
                                                  (Cái duyên, tr.52)
     Một hình thức ngôn từ thể hiện trong thơ Bùi Đăng Sinh là cấu tạo trong nội bộ câu thơ, bài thơ. Đó là lối điệp âm, điệp từ và lối tiểu đối trong câu. Có rất nhiều bài thơ trong tập như vậy, trong đó, “Lục bát mùa xuân” (tr. 66) là bài thơ tập trung các lối thơ nói trên: “Mắt nhìn lóng lánh, long lanh (điệp âm), “Ngày ngày, tháng tháng, năm năm đợi chờ”, (điệp từ); và “Dẫu rằng còn chút tình riêng/Người ơi gõ trống, khua chiêng làm gì/Mùa xuân về, tuổi xuân đi/Lá xanh-tóc trắng từ khi nào rồi/Ta còn rạo rực bồi bồi/là nhờ hương đất, hương trời chuyển giao”(tiểu đối).
     Mỗi biện pháp ngôn từ đều có ý nghĩa và vai trò thi pháp  riêng, song chúng đều nhằm nâng cao hiệu quả nghệ thuật của thi ca.
                                                    *
                                                *      *
     Trong nền thơ lục bát, chúng ta biết được có nhiều nhà thơ nổi danh, chẳng hạn, xưa là Tản Đà, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, ...; gần đây là Quang Huy, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn... Trong khi thơ hiện đại với lối thơ tự do đang mở ra ào ạt, thì thơ lục bát vẫn đứng vững và phát triển với nhiều nhà thơ đã và đang xuất hiện. Bùi Đăng Sinh là một nhà thơ như vậy.
     Cảm ơn và chúc mừng nhà thơ Bùi Đăng sinh về tập “Thơ lục bát Bùi Đăng Sinh”. Bạn đọc đón chờ sẽ được đọc nhiều tập thơ tiếp theo, trong đó có thơ lục bát hay hơn nữa của anh!
                                                                     Hà Nội, tháng 11-2011
                                                                                 M.T


Nguồn: Tạp chí xuất bản Việt Nam số 11/2011_trang 20,21 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét